Ẩm thực xã đảo Long Sơn.

Long Sơn là một xã đảo trực thuộc thành phố Vũng Tàu, cách trung tâm thành phố Vũng Tàu khoảng 25 km. Đến đây, du khách không phải qua thuyền mà chỉ qua những cây cầu vắt ngang nên rất thuận lợi trong việc di chuyển. Xã đảo Long Sơn đã và đang thu hút du khách không chỉ bởi phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, di tích lịch sử văn hóa nhà lớn Long Sơn mà còn ấn tượng bởi những món đặc sản ngon tươi sống của miền biển. Ngày cuối tuần, không chỉ có dân TP.HCM hay các nơi khác đến Long Sơn, mà ngay cả dân thành phố biển cũng lên đây để vui thú ẩm thực.

1

Ở Long Sơn có thú vui đặc trưng: “nhậu” trên bè. Người dân nơi đây sinh sống bằng nghề thả bè nuôi hào, tôm, cá trên sông Dinh. Một vài người dùng bè của mình làm điểm đón khách du lịch. Khách cứ đến bến ghe, nói đi ra bè nào thì có ghe chở đi ngay. Đi chừng mươi phút. Một dãy nhà cây, trên lợp lá dừa nước, dưới là những thùng phuy dập dềnh trên sông. Vách không dựng kín, nên gió cứ thoải mái thốc vào, mát rượi. Bên trong, bàn thấp kiểu Nhật chật kín người. Hành lang ngoài, võng giăng toòng teng cũng không còn chỗ trống.

Khách đến nườm nượp vào ngày thường cũng như ngày cuối tuần. Trước khi gọi món ăn, khách có thể hỏi qua chủ quán xin kéo thử dây nuôi hào. Người ta đập những tấm tôn – xi măng ra thành nhiều miếng nhỏ, cột vào dây thả xuống lòng sông. Con hào kéo đến bám vào đó mà trú ngụ. Chừng một năm, chỉ việc kéo dây lên thu hoạch hào.

Hải sản thì vùng biển nào cũng có, nhưng mỗi nơi có món “ruột” riêng. Long Sơn ngoài món hào, còn sò huyết, con móng tay… và các loài hải sản lạ khác như: con dộp. Con dộp là một trong những món đắt tiền, cân “sống” tại chỗ 50.000 đ/kg, nhưng nghe đâu khi vào nhà hàng hải sản nơi khác lên đến hơn 200.000đ. Khách có thể theo ghe đi bắt con dộp, con móng tay. Cao hứng, khách có thể nhờ dong ghe ra ngoài cửa biển, ngắm thành phố Vũng Tàu từ xa. Trên đường đi, người dân địa phương ở đây thường chỉ cho khách tạt vào bãi cát vàng để ngắm cảnh.

Con Dộp và Dộp hấp Thái.

Đến Long Sơn, có thể ghé khu nhà Lớn nổi tiếng để tìm hiểu về đạo Ông Trần mà hầu hết người dân ở đây đi theo. Ông Trần là người có công khai phá mảnh đất này đầu tiên. Khu nhà Lớn là một quần thể kiến trúc bằng gỗ, bao gồm  lầu Phật, lầu Dài, lầu Thánh, nhà Cấm… Khu nhà này còn lại những người Nam Bộ xưa với áo bà ba đen, tóc búi sau ót. Khách cũng có thể ở lại nhà Lớn nhiều ngày để nghỉ ngơi và tham quan.

Even Flow Free

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *