Khám phá ẩm thực Bà Rịa – Vũng Tàu

Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), ắt hẳn nhiều người đã phải trầm trồ bởi các món ngon của vùng đất vừa có biển, có rừng lại có núi này.

02

Bánh hỏi An Nhứt nổi tiếng đã hơn nửa thập kỷ làm nức lòng bao du khách ghé thăm

Khám phá món ngon

Đối với du khách đã đi du lịch tại BR-VT hẳn biết đến bánh canh Long Hương. Từ một quán nhỏ cách đây hơn 30 năm, nay quán đã khá nổi tiếng với món ăn đặc sản quê hương, luôn tấp nập thực khách nội địa và quốc tế ra vào thưởng thức. Nước lèo trong veo nhưng có vị ngọt đậm đà của xương và thịt, sợi bánh được làm bằng bột gạo pha bột lọc để có độ dẻo, dai và màu trắng trong. Bánh canh ăn kèm với giá đậu xanh, rau cần và các loại rau thơm khác. Bánh canh có nhiều món cho khách lựa chọn: giò, que nạc (que là thanh xương có nhiều nạc nằm trong chân giò sau, mỗi con heo chỉ có 2 que), xương ống, móng… Quán bánh Canh Thúy nằm ngay cổng chào thị xã Bà Rịa, phía tay trái nếu đi từ hướng Sài Gòn đến Vũng Tàu.

Nếu có dịp đến An Nhứt (huyện Long Điền) hãy dừng chân thử món đặc sản của vùng đất An Nhứt, đó là bánh hỏi truyền thống nổi tiếng. Bánh hỏi được làm bằng một thứ gạo thơm và bí quyết là cách pha chế bột sao cho bánh dẻo, dai. Miếng bánh hỏi trắng thơm mùi gạo mới càng nhai càng thấy ngọt, bánh hỏi cuốn với rau sống, thịt nướng, chả giò chấm với nước mắm, kèm ngó sen chua ngọt, hoặc ăn với thịt bò xiên bằng que nướng trên bếp than hồng, chấm mắm nêm cũng rất ngon.

Cũng là món ăn đặc sản lâu đời nhưng cá nấu canh chua tương me (hay lẩu chua tương me) của vùng Phước Hải, huyện Đất Đỏ, món ăn mà người dân địa phương còn gọi là “nấu súng” rất ngon và lạ, có vài loại cá biển thường được dùng để nấu lẩu chua tương me như cá dứa, cá lò, cá ngao… và đặc biệt là đầu cá thiều.

05

Bánh xèo Long Hải (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) cũng là món ăn làm xiêu lòng bao du khách thập phương. Nổi tiếng không chỉ vì có những bí quyết nghề nghiệp và những ngón độc chiêu như: nguồn thực phẩm tươi nguyên mua của dân chài đánh bắt trong ngày mang về chưa ướp đá; kỹ thuật đổ bánh giòn tan, bánh có màu vàng tươi, thơm ngon; nước chấm được pha chế công phu, vị chua chua ngọt ngọt của dưa cải, vị đậm đà của nước mắm ngon loại đặc biệt… khiến người ăn có thể cảm nhận được hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Ốc len xào dừa là một trong những món đặc sản miền Nam ở Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải đều có món này. Ăn ốc len có một điều thú vị là phải mút mới ngon, vị béo của nước cốt dừa, mùi thơm của hành phi, rau răm, vị ớt cay cay cộng với cảm giác giòn giòn của ốc mới “đã cái sự đời!”.

Có mặt từ lâu tại TP. Vũng Tàu và là một trong những món ăn dân dã nổi tiếng từ xưa đến nay, món bánh khọt đã tạo tiếng vang trong lòng du khách. Đến Vũng Tàu ngoạn cảnh và thưởng thức ẩm thực mà bỏ qua món bánh khọt thì không thể gọi là “viên mãn” được. Khu đường Nguyễn Trường Tộ được xem là nơi hội tụ của đặc sản này, quán Gốc vú sữa, Cô Ba đường Hoàng Hoa Thám, một số quán khác ở ngã 4 Hoàng Hoa Thám và Nguyễn Trường Tộ như: Cây hoa sữa, Cây sung, 16A… So với nhiều món ăn cầu kỳ khác, bánh khọt là món ăn dân dã nhưng mang một hương vị rất riêng của Vũng Tàu. Màu trắng của bột gạo quyện với vị béo ngậy của mỡ hành và độ ngọt của tôm tươi, vị thơm của tôm khô chà nhuyễn trong món bánh khọt. Chỉ với 30.000 đến 40.000 đồng là có ngay một dĩa bánh khọt ăn kèm với rau thơm, đu đủ chua và nước chấm rất hấp dẫn và bắt mắt. Bánh khọt Vũng Tàu đã theo chân du khách về Sài Gòn cùng với tên hiệu như: Cô Ba, Cô Tư kèm theo thương hiệu “Vũng Tàu”.

Món độc đáo

Đến Vũng Tàu phải thưởng thức món tiết canh tôm để biết thêm một món ăn độc đáo. Tiết canh tôm ăn là lạ, phần thịt tôm mềm lẫn với tiết tôm sừn sựt như rau câu, mằn mặn, ngòn ngọt. Nhưng phải thật tinh ý lắm mới nhận ra phong vị trên, vì tiết tôm ít và mỏng. Tiết canh tôm cũng được ăn chung với bánh tráng nhưng phần rau thì ngoài ngò gai, không thể thiếu rau diếp cá và có thể ăn chung với khế chua, chuối chát. Thưởng thức món tiết canh tôm tại nhà hàng Hải Phương (693 – 695, đường 30/4, phường 10) thực khách được tận mắt xem màn biểu diễn đánh tiết canh tôm ngay tại bàn ăn.

Đặc sản ốc Vú Nàng của Côn Đảo cũng là một món ăn khó quên, ốc có thể nướng, luộc hoặc trộn gỏi đều ăn rất ngon. Hai câu thơ: “Ai qua đất Thắm, Bãi Bàng, Hỏi thăm Ông Đụng, Vú Nàng lớn chưa?” của người dân Côn Đảo từ mấy chục năm qua dần dần trở nên quen thuộc với du khách để nói đến một loại đặc sản biển quý hiếm này.

Đến Côn Đảo, bạn cũng nên ngồi bên bãi biển vào một buổi chiều nhạt nắng và gió lộng, nghe tiếng sóng vỗ rì rào, thưởng thức con cua rang me, chấm với muối tiêu chanh. Vị giòn, thơm, ngọt ngon của món ăn lạ này khiến bạn ăn rồi lại muốn ăn thêm…Đặc sản Côn Đảo mà du khách có thể mang về làm quà là các loại mắm như: mắm nhum, mắm hàu.

Đối với đồ uống thì đặc sản của BR-VT là rượu áp xanh Bà Đập và rượu đế Hòa Long. Không ai biết rượu áp xanh Bà Đập (Phước Hải – Đất Đỏ) có tên gọi tự bao giờ nhưng nó trở nên nổi tiếng là nhờ thang thuốc gia truyền dùng để nấu rượu tạo hương vị thơm với màu xanh rất đặc trưng.

Còn rượu đế Hòa Long được liệt vào hàng “danh bất hư truyền”. Rượu có nồng độ cao và ngon nổi tiếng là nhờ nguồn nước giếng khơi trong mát, ngọt lành của vùng đất Hòa Long. Hai loại rượu này được bày bán khá phổ biến, giá cả phải chăng.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *