Nét độc đáo của tín ngưỡng ông Trần

Sau khi kết thúc chuyến du lịch tắm biển tại TP Vũng Tàu, theo Quốc lộ 51 hướng về TP Hồ Chí Minh, cách cổng chào TP Bà Rịa khoảng 8km, du khách sẽ gặp một ngã ba phía tay phải. Đây là con đường dẫn vào xã đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu)- nơi có quần thể di tích Nhà Lớn khá nổi tiếng.

Nhà Lớn Long Sơn hay đền Ông Trần là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ, được làm bằng các loại gỗ quý với tổng diện tích khoảng 2ha, chia thành 3 khu: đền thờ; nhà hội, trường học, chợ, nhà bảo tồn Ghe Sấm và khu lăng mộ ông Trần. Nhà Lớn nằm bên sườn Đông núi Nứa, thuộc xã đảo Long Sơn của TP Vũng Tàu, cách TP Bà Rịa 9km. Nhà Lớn đã được công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa năm 1991.

Nhà Lớn do Ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu, người Hà Tiên, đến đảo Long Sơn khai hoang lập nghiệp khoảng năm 1900) cho khởi công xây dựng từ năm 1910 đến 1929 thì hoàn thành. Tất cả đều nhờ tiền của và công sức tự nguyện của ông và của nhiều người tin theo ông.

Năm 1900, Ông Trần cùng khoảng 20 người trong gia tộc đi bằng ghe (thuyền) đến phía Nam đảo núi Nứa (Long Sơn) khai hoang, mở đất lập nghiệp và truyền đạo.

Vào khoảng năm 1909, Ông Trần đã đề đạt với nhà cầm quyền Pháp ở Bà Rịa cho lập ra nhà thờ Khổng Tử để làm nơi thờ cúng của người dân ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn). Được chấp thuận, năm 1910, Ông Trần cho xây dựng Nhà Thánh (thờ Khổng Tử) làm khu chính điện. Sau đó, ông tiếp tục xây dựng Lầu Trời, Lầu Tiên, Lầu Phật, và sửa lại Nhà Hậu vốn có từ trước cho rộng lớn và khang trang hơn.

Năm 1927, Ông Trần lại cho cất thêm Lầu Cấm (làm tiền điện), hai ngôi nhà khách, cổng tam quan, khu vườn hoa, hai cổng ra vào khu vực thờ cúng.

Năm 1928, ông cho dựng tiếp Lầu Dài, phần dưới để trống làm nơi ăn nghỉ cho người đến thăm viếng & lễ bái, tầng trên bày các bàn thờ.

Kể từ đó và những năm tiếp theo, Ông Trần cho xây cất 5 dãy phố (cho lưu dân cư ngụ khi mới đến lập nghiệp),

Nhà Long Sơn hội (nơi hội họp), trường học (dạy chữ quốc ngữ cho trẻ),

Nhà chợ (được khánh thành ngày 16 tháng 8 năm 1929), nhà máy xay xát lúa gạo, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, các hồ và lu dùng để tích trữ nước ngọt, v.v…

Vì những công trình do Ông Trần tổ chức xây dựng đều nằm chung một khu vực nên nhân dân quen gọi đó là Nhà Lớn. Sau khi Ông Trần qua đời và được đưa vào thờ cúng trong Nhà Lớn thì khu di tích này lại có thêm một tên gọi nữa là Đền Ông Trần.

Lúc đầu, Nhà Lớn được làm bằng gỗ ván, tre nứa, nhưng sau này khi trùng tu các con cháu và đệ tử Ông Trần đã cho thay thế một phần bằng gạch ngói và xi măng.

Nhìn chung, Nhà Lớn là một tập hợp quần thể kiến trúc khép kín và liên thông, được chia thành ba khu riêng biệt là:

Khu nhà thờ

Khu lăng mộ Ông Trần (nằm về phía Nam kế khu nhà thờ, rộng 42 m2, lát gạch, có tường hoa bao bọc. Phía đầu ngôi mộ có một miếu nhỏ thờ Ông Trần)

Quần thể bao gồm: tam quan, vườn hoa Bát quái, và nhiều nhà thờ, trong đó có các nhà lầu 2 tầng (tầng dưới lát gạch, tầng trên lát gỗ) 8 mái ngói là: Lầu Cấm (Tiền điện), Lầu Phật (Chính điện), Lầu Trời, Lầu Tiên, Lầu Dài; và nhà trệt lợp ngói là: Nhà Thánh, Nhà Hậu (Hậu điện).

Hàng năm vào ngày giỗ Ông Trần (lễ Vía 20 tháng 2 âm lịch)  và ngày Tết Trùng Cửu (9 tháng 9 âm lịch), Nhà Lớn Long Sơn đều có tổ chức lễ hội long trọng, thu hút hàng chục ngàn người gần xa (chủ yếu từ các tỉnh ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ) về tham dự.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc biệt, ngày 3/8/1991, Nhà Lớn Long Sơn đã được Bộ Văn hóa — Thông tin (cũ) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Nét đẹp văn hóa và những di vật cổ mà Nhà Lớn còn lưu giữ cẩn thận cho tới bây giờ hứa hẹn sẽ mang lại cho du khách những sự bất ngờ đầy hấp dẫn thiên nhiên và con người nơi đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *