Đình Thần Thắng Tam di tích văn hóa vùng đất Vũng Tàu

Đi du lịch không chỉ giúp du khách có những phút giây thư giãn mà còn có cơ hội khám phá nhiều cảnh quan và nền văn hóa của con người thuộc những vùng đất khác nhau. Nói đến du lịch Vũng Tàu người ta luôn nghĩ ngay đến nó là một thành phố biển với những đặc sản của vùng biển, nhưng nơi đây còn ẩn chứa rất nhiều giá trị linh thiêng bên trong những ngôi đình, khi đến đây thì người dân luôn nhắc đến đó chính là đình Thần Thắng Tam.

Tọa lạc trên một sở đất rộng ở đường Hoàng Hoa Thám, thành phố du lịch Vũng Tàu là một quần thể kiến trúc, di tích gồm ba công trình: đình Thắng Tam, miếu Bà và lăng cá Ông. Đình thần Thắng Tam nằm ở vị trí được cho là “án sơn tụ thủy”, xây dựng vào năm Canh Thìn (1820) làm nơi thờ phụng các bậc tiền hiền, những người có công khai phá vùng đất này.

Đình có kiến trúc theo lối nối tiếp gồm bốn ngôi nhà nối liền nhau bằng một lối đi bên hông, đó là Tiền Hiền – Hội Trường – Đình Trung – Sân khấu võ ca. Trong đình bài trí nhiều đồ lễ chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy.

dinh thanh thang tam

Theo truyền thuyết, vào thời Gia Long (1802-1820), nhằm kiểm soát và bảo vệ vịnh Ghềnh Rái, cửa biển Cần Giờ, triều đình đã cử 3 thuyền (đơn vị nhỏ nhất của quân đội nhà Nguyễn) đến vùng đất Vũng Tàu trấn giữ. Khoảng năm Minh Mạng thứ 3 (1822), tình trạng giặc cướp không còn nữa. Nhà vua cho giải ngũ số quân này, ban thưởng vùng đất họ đã có công trấn giữ và miễn mọi thứ thuế. Ba ông chỉ huy ba thuyền đã tổ chức khai phá và lập ra ba làng lấy tên Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam (từ đó người ta cũng gọi Vũng Tàu là Tam Thắng nhằm chỉ ba làng có từ “Thắng” đứng đầu). Phạm Văn Đinh cai quản làng Thắng Nhất. Lê Văn Lộc cai quản làng Thắng Nhì. Ngô Văn Huyền cai quản làng Thắng Tam. Sau này, ba ông trở thành Tiền hiền được thờ tại ba ngôi đình của ba làng nói trên…

Ban đầu, ngôi đình chỉ là nhà tranh vách lá; năm 1835 mái được lợp ngói và đến năm 1965 được xây dựng mới, kiên cố như hiện nay. Đình thần Thắng Tam được xây dựng theo lối kiến trúc liên hoàn gồm miếu tiền hiền, ngôi đình trung, võ ca và hội trường.

dinh thanh thang tam 2

Đình làng còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hoá và tinh thần của cư dân trong một cộng đồng được xác định bởi một đơn vị hành chính cơ sở. Trải qua thời gian tồn tại lâu dài, do những biến động của lịch sử, một số làng, xã đã không còn đình làng. Tại ba ngôi làng tiền thân của Vũng Tàu còn ba ngôi đình. Có thể nói đình làng Thắng Tam là biểu hiện đặc sắc của đặc trưng văn hoá độc đáo của ngư dân miền biển – Vừa có những đặc điểm chung của đình làng Việt Nam, vừa có những nét riêng trong thờ cúng và sinh hoạt văn hoá – tín ngưỡng.

dinh thanh thang tam 3

Trong quá trình lễ hội của đình, người ta thường tổ chức nhiều trò vui giải trí như múa lân, hát bội … đình thần thức suốt đêm, tiếng trống, tiếng nhạc tiếng hát làm huyên náo, rộn ràng cả một vùng suốt mấy ngày đêm.

Lễ hội đình Thần Thắng Tam là một hoạt động văn hoá đặc sắc của ngư dân miền biển Vũng Tàu. Du khách viếng thăm đình Thần Thắng Tam vào dịp có lễ hội, hẳn đó là chuyến tham quan thú vị và sinh động nhất trong chuyến du lịch Vũng Tàu.

Miếu Ngũ Hành (miếu Bà)

dinh thanh thang tam 5

Nằm bên trái khu di tích đình Thắng Tam là miếu Ngũ Hành, được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 thờ năm bà nữ thần: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngoài ra, miếu còn thờ hai vị hộ quốc được vua phong Thượng Đẳng Thần là bà Thiên Y A Na và Thuỷ Long Thần Nữ.

dinh thanh thang tam 4

Miếu Ngũ Hành được kiến trúc theo lối một gian hai chái, trên mái có hình “lưỡng long chầu nguyệt”, trong miếu có 8 bàn thờ. Giữa chính điện là bàn thờ 5 bà Ngũ Hành và hai vị Thượng Đẳng Thần. Hai bên là bàn thờ 5 Cô và 5 Cậu. Tiếp theo bên trái là bàn thờ Quan Công, Quan Bình và Châu Xương là những bậc trung nghĩa, sẵn sàng cứu hộ những người đi biển khi họ gặp chuyện không may. Bên phải là bàn thờ Ông Địa – Thổ Công. Phía sau là bàn thờ Tiền Hiền và những người giàu lòng nhân ái, độ lượng trong làng.

Lăng Cá Ông

Lăng Cá Ông nằm bên phải khu di tích và được xây dựng cùng thời kỳ với miếu Ngũ Hành. Hiện nay trong lăng vẫn còn một phần của bộ xương Cá Ông khổng lồ do ngư dân Vũng Tàu vớt được từ hơn 100 năm trước.

dinh thanh thang tam 6

Lăng có kiến trúc theo lối cổ xưa, bên trong bày ba tủ kính lớn đựng xương Cá Ông và tương xứng với nó là ba bàn thờ. Hai bên có thêm hai bàn thờ của Bà Sáu (Thần Rùa) và tổ nhạc.

Hiện nay, khu di tích đình thần Thắng Tam còn lưu giữ 12 sắc phong của vua Thiệu Trị và Tự Đức, trong đó có 6 sắc phong cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải (tức Cá Ông), 3 sắc phong cho Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi và 3 sắc phong cho Thủy Long Thần Nữ.

Một tour du lịch Vũng Tàu sẽ làm cho du khách hiểu được những nét đẹp về phong tục, tập quán dường như được “hóa thân” trong từng chi tiết kiến trúc của di tích và tham gia vào các lễ hội đặc biệt hiện có ở đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *