Quảng bá du lịch qua ẩm thực của Vũng Tàu

Sở hữu nguồn nguyên liệu thủy hải sản dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thưởng thức hải sản tươi sống của du khách; là nơi hội tụ của ẩm thực ba miền và nhiều quốc gia trên thế giới; mỗi năm đều tổ chức liên hoan ẩm thực… nhưng mục tiêu quảng bá du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu qua ẩm thực vẫn chưa đạt được. Vì sao?

Am-thuc-Vung-Tau

Đầu bếp khách sạn Dầu khí biểu diễn cách chế biến và trưng bày món tôm hùm.

Ẩm thực phong phú

Những năm gần đây, cư dân các tỉnh, thành trên cả nước và người nước ngoài đến Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) làm việc, học tập, sinh sống ngày càng nhiều. Trong quá trình ấy họ mang theo cả những đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của quê hương đến góp phần làm phong phú thêm sắc màu ẩm thực cho BR-VT. Để phục vụ cho hàng trăm ngàn lượt khách du lịch đến BR-VT nghỉ dưỡng mỗi năm, nhiều nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ mọc lên khắp các vùng, điểm du lịch. Nhiều nhà hàng có những món đặc trưng mang hương vị riêng và linh hoạt, tổ chức nhiều loại tiệc khác nhau tùy thuộc vào đối tượng khách. Vì vậy, ở TP. Vũng Tàu muốn thưởng thức đặc sản ba miền như: mì Quảng, bún mắm, bánh bột lọc, chè Huế, bánh xèo… hay những món ăn nước ngoài như: Hoa, Thái, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Ý… chỉ cần ra đường là đã có.

Bên cạnh đó, hầu như năm nào ngành du lịch và TP. Vũng Tàu cũng tổ chức các chương trình liên hoan ẩm thực kết hợp văn nghệ, hội thi tay nghề đầu bếp. Một số đơn vị kinh doanh du lịch cũng tận dụng cơ sở vật chất sẵn có để đa dạng thêm sản phẩm phục vụ du khách bằng các loại hình: chợ ẩm thực, phố hải sản nướng, tiệc buffet. Việc duy trì các hoạt động ẩm thực thường xuyên vào dịp cuối tuần, lễ tết và liên tục cải tiến từ khâu trang trí đến thực đơn, các trò giải trí kết hợp đã phần nào đáp ứng nhu cầu ăn uống, thưởng thức đặc sản, tạo sân chơi văn hóa tinh thần cho người dân địa phương và du khách.

Quảng bá du lịch qua ẩm thực

Thạc sĩ Phan Tôn Tịnh Hải, Hiệu trưởng trường Đào tạo bếp Mint (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, ngày nay ẩm thực không còn đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ, phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần của du khách mà đã trở thành mục đích của các chuyến du lịch. BR-VT từng thành công trong việc thu hút khách du lịch qua các sự kiện ẩm thực như: Festival ẩm thực thế giới (năm 2010), Hội chợ ẩm thực (Festival Biển 2006), Liên hoan ẩm thực BR-VT (2009 và 2011)… Tuy vậy, theo thạc sĩ Phan Tôn Tịnh Hải, đó chỉ là những sự kiện mang tính thời vụ, còn về lâu dài dùng ẩm thực thế nào để đạt được hiệu quả trong hoạt động xúc tiến, thu hút khách du lịch đến BR-VT thì còn nhiều điều phải bàn.

Ngoài các món “ngoại nhập”, BR-VT còn rất nhiều đặc sản địa phương như: bánh khọt Vũng Tàu (đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập là một trong 10 món ăn Việt Nam theo bộ tiêu chí xác lập “Giá trị ẩm thực châu Á”), bánh hỏi Long Điền, gỏi cá trích, mắm nhum Côn Đảo, mắm bằm Hòa Long, hàu Long Sơn… Thạc sĩ Phan Tôn Tịnh Hải cho rằng, BR-VT nên lựa chọn món đặc trưng nhất của địa phương để xây dựng chương trình thuyết minh gồm đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, sự hình thành và phát triển làng nghề, trình diễn quy trình chế biến, mời ăn thử để du khách có sự trải nghiệm kết hợp trình chiếu các đoạn phim hoặc hình ảnh về văn hóa ẩm thực; bày bán các vật phẩm liên quan để khách mua làm quà; đồng thời tận dụng các kênh quảng bá như internet, hội chợ triển lãm, kênh truyền hình nước ngoài… để đưa những tinh hoa ẩm thực địa phương vươn ra thế giới.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các sự kiện ẩm thực cũng cần lựa chọn thời điểm phù hợp và quy tụ được đội ngũ đầu bếp có tay nghề từ các nhà hàng, khách sạn có tên tuổi trên địa bàn kết hợp làm tốt công tác truyền thông, quảng bá thì việc quảng bá du lịch qua ẩm thực mới đem lại kết quả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *